Sâu chít
Được xem là “đông trùng hạ thảo” của Tây Bắc và được nhiều dân đi phượt một thời mê mẩn giới thiệu cho nhau, đúng là đã thử một lần thì không thể nào quên được các món ngon đặc sản làm từ sâu chít đó.
Chít là tên một loại sâu sống trong thân cây chít- cây bông đót, mọc hoang ở các triền núi đá vôi nối tiếp nhau trải dài bất tận ở miền Tây Bắc. Bạch trùng thảo là loại sâu trắng ký sinh trong loài cỏ lau. Đông trùng hạ thảo là loại sâu mùa đông chỉ là ấu trùng ở nụ mầm cây chít, nhưng sang mùa hạ phát triển thành sâu, chờ đợi đến ngày chui ra khỏi thân cây chít để hóa thành bướm, mở đầu cho một vòng đời mới…
Sâu chít là một loại ấu trùng được sử dụng trong Đông y. Người ta vẫn nói “đông trùng hạ thảo” là những loại dược liệu tốt nhất, sâu chít chính là một trong những loại “đông trùng” như thế. Sâu chít có tác dụng tốt trong việc tăng cường sức khỏe, bồi bổ cơ thể, bổ thận tráng dương trong các bài thuốc Đông y.
Đồng bào dân tộc thiểu số người Thái ở Pù Luông mỗi khi vào rừng bẻ cây chít về làm chăn, đệm hay làm chổi đều tranh thủ bẻ đọt chít của những cây có dấu hiệu bệnh, không thể ra hoa mang về, tách ngọn lấy sâu chít ra làm thực phẩm, chế biến đủ thứ món ăn.
Sâu chít còn thường được dùng để ngâm rượu. Rửa sạch bằng nước lạnh và nước muối, cho vào bình ngâm với rượu trắng, uống được ngay sau vài giờ. Rượu ngâm càng lâu càng thơm, càng bổ dưỡng và uống càng ngon.

Còn gì thú vị hơn khi được ngồi bên bếp lửa bập bùng trong tiết trời se lạnh, thưởng thức những món ăn từ sâu chít, nhấp thử một chén rượu sâu chít thơm ngọt, cay tê đầu lưỡi.