Ốc đá
Đến Pù Luông, ngoài những đặc sản quen thuộc như gà đồi, lợn mán, bạn nhất định phải thử món ốc núi để được cảm nhận nhiều hơn hương vị ẩm thực nơi đây.

Đây là loài ốc cực hiếm vì chúng chỉ sinh sống trong các hang hốc đá, rất khó phát hiện. Vào mùa mưa, ốc mới bò ra kiếm ăn và sinh sản. Khi những cơn mưa trút hạt cũng là mùa săn ốc núi bắt đầu nhộn nhịp. Buổi sáng, ốc núi mò ra khỏi hang đi ăn lá rừng, nên đây là thời điểm thích hợp nhất để bắt.

Nhìn thoáng qua thì rất giống ốc sên nhất là khi nó bò rồi giương hai cái râu lên vẫy vẫy. Bởi thế nhiều người sợ không ăn được ốc núi, trong khi nó rất ngon, mềm, sạch. Mà ăn thì phải ăn toàn bộ phần ruột của nó mới tốt bởi đây phần bổ nhất. Ốc hấp mắm hoặc chanh sả. Ăn nóng, chấm với nước mắm gừng ớt chanh, đủ vị cay chua mặn ngọt. Nếu muốn ăn đúng kiểu người địa phương thì phải giã củ kiệu với tí gừng rồi chấm khô nhé.
Cách chế biến món ốc đá hấp gừng xả rất đơn giản. Ốc bắt từ rừng về, rửa sạch lớp đất bám trên vỏ, không cần ngâm kỹ trong nước như các loại ốc khác mà chỉ rửa sơ qua để giữ lại chất dinh dưỡng (vì thức ăn chính của loại ốc này là rêu, cây, cỏ dại). Sau khi rửa xong, đổ ốc và một ít nước cùng các gia vị như: Muối, mì chính, ớt, xả, gừng… băm nhỏ cho vào nồi đảo đều, rồi hấp. Khoảng 30 phút sau, chúng ta sẽ có món ốc núi đá hấp xả thơm ngon và hấp dẫn. Thịt ốc núi dai, giòn, ngọt. Vị ngọt thanh, chút hương lá rừng là lạ sẽ khiến thực khách khó tính nhất cũng phải mê mẩn.
Nếu như trước kia ít người biết đến món ốc núi đá, thì giờ đây món ốc núi đã trở thành lựa chọn của rất nhiều thực khách, nhất là những người đam mê ẩm thực dân tộc dân dã. Ốc đá cũng trở thành đặc sản, hiện diện trong các nhà hàng, khách sạn, cơ sở homestay trên địa bàn tỉnh, để rồi không ít thực khách phải “vấn vương” khi thưởng thức những món ngon độc đáo này.