Khám phá văn hóa người Thái ở Pù Luông
Được ví đẹp tựa như Sa Pa của Tây Bắc hay xứ sở mộng mơ Đà Lạt của đất rừng Tây Nguyên, du lịch Pù Luông đang dần trở thành điểm du lịch hấp dẫn ở xứ Thanh với khung cảnh hoang sơ của núi rừng, những nếp nhà sàn giản dị hay những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ. Du lịch Pù Luông bốn mùa đều như nàng thiếu nữ đôi mươi đầy nhựa sống khép nép, tinh khôi vừa hoang dại khiến biết bao du khách vấn vương. Pù Luông không chỉ có cảnh đẹp nên thơ mà nơi đây cũng có những nét văn hóa vô cùng đặc sắc.
Trang phục truyền thống
Nói đến văn hóa của người Thái thì không thể không nhắc tới trang phục của cộng đồng người Thái ở Pù Luông. Trang phục truyền thống, nam giới mặc quần áo thổ cẩm màu chàm xanh hoặc chàm đen, phụ nữ Thái hiện nay vẫn gắn bó với trang phục truyền thống: Áo cỏn màu trắng, xanh hoặc đen bó sát thân với hàng khuy bạc trắng, váy dài đen quấn suông hoặc được thêu viền hoa văn ở gấu. Cùng với váy, áo phụ nữ Thái Đen còn có chiếc khăn Piêu thêu hoa văn bằng nhiều loại chỉ màu rất sặc sỡ và đẹp. Đồ trang sức của phụ nữ chủ yếu là vòng bạc, xuyến bạc đeo ở cổ và tay; hoa tai bằng bạc hoặc vàng.
Văn hóa ẩm thực của người Thái
Văn hóa ẩm thực của người Thái tại thung lũng Kho Mường trên đỉnh Pù Luông mang một phong vị riêng và không hề trộn lẫn. Nó chứa đựng văn hóa tộc người vô cùng sâu sắc. Người Thái có rất nhiều những món ăn độc đáo: cơm lam, canh lá đắng, xôi ngũ sắc,… Tuy nhiên đặc trưng nhất phải kể đến món cơm Lam. Đây là món ăn truyền thống gắn liền với bữa ăn hàng ngày, những ngày lên nương rẫy hay trong các lễ hội, cúng bái của người Thái.

Nhà sàn – Nơi lưu giữ những văn hóa
Trong văn hóa của người Pù Luông, nhà sàn không đơn thuần là nơi cư trú mà còn là nơi lưu giữ những văn hóa của mỗi gia đình. Họ thường định cư gần nguồn nước. Mỗi bản có từ vài chục đến hơn trăm nóc nhà kề bên nhau, ở nhà sàn, kết cấu bằng gỗ, với những hàng cột gỗ vuông hoặc tròn được kê đá, sàn cao, lợp lá cọ hoặc ngói. Mỗi nhà tùy theo gia cảnh mà dựng 3 gian hoặc 5 gian. Trong hôn nhân gia đình, hiện vẫn còn duy trì tục ở rể. Vài năm sau, khi đôi vợ chồng có con mới về nhà chồng sinh sống rồi sau đó tách hộ ra ở riêng.
Văn hóa tinh thần
Đồng bào rất thích ca hát, đặc biệt là khắp. Khắp là lối ngâm thơ hoặc hát theo lời thơ, có thể đệm đàn và múa. Nhiều điệu múa như múa xòe, múa sạp, múa quạt rất độc đáo. Những điệu múa này đã được trình diễn trên sân khấu trong và ngoài nước. Hấp dẫn đông đảo khán giả. Vào dịp lễ hội, hạn khuống và ném còn là hai trò chơi mang nét đặc trưng văn hóa nổi tiếng nơi đây.
Văn hóa sinh hoạt, lối sống
Trong hành trình khám phá văn hóa đừng quên tham gia vào phiên chợ phố Đoàn, nơi diễn ra các hoạt động trao đổi buôn bán vô cùng đặc sắc. Chợ Phố Đoàn thường diễn ra vào thứ năm và chủ nhật hàng tuần. Phiên chợ không đơn thuần là nơi trao đổi buôn bán mà còn là nơi giao lưu, chia sẻ của cộng đồng cư dân. Đến với chợ Phố Đoàn bạn sẽ cái nhìn đầy đủ, sinh động về văn hóa của người dân, về những hoạt động kinh tế, thương mại.

Bên cạnh đó còn có những cọn nước – sản phẩm truyền thống của người thái, phục vụ lấy nước tưới tiêu cho những thửa ruộng bậc thang được mùa màng bội thu.
